Wednesday, May 16, 2012

Sổ tay mang thai: Bé có tim thai rồi nhé! (3)


Ở tuần thứ 6, thai nhi vẫn còn vô cùng bé nhỏ nhưng đã có tim thai.

Sự phát triển chung

Ở tuần thai thứ 6, việc mang thai vẫn còn rất mới mẻ với bạn vì vậy bạn sẽ vẫn chỉ cảm nhận được những thay đổi rất nhỏ ban đầu. Tuy nhiên, những triệu chứng sớm của việc bầu bí vẫn sẽ rõ nét như ốm nghén, nôn ói, mệt mỏi, đau đầu và những tuần này bạn sẽ khá khổ sở vì chứng nghén ngẩm này.
Thời gian này, phôi thai vẫn còn vô cùng bé nhỏ nhưng đã hình thành xương hoàn chỉnh, mặc dù xương vẫn còn ở dạng sụn mềm, phải đến sau này, những đoạn sụn này mới cứng cáp thành xương.

Kích thước thai nhi

Ở tuần thứ 6, thai nhi của bạn được khoảng 0,6cm và có kích thước bằng một hạt đậu Hà Lan. Sang tuần tiếp theo, em bé sẽ tiếp tục phát triển và có kích thước tăng gấp đôi đấy!
Sổ tay mang thai: Bé có tim thai rồi nhé!
Tuần thứ 6, thai nhi bằng hạt đậu Hà Lan.

Thai nhi tuần thứ 6

Trong tuần thứ 6 của thai kỳ, thai nhi phát triển các cơ quan như phổi, miệng, quai hàm, mũi, vòm miệng, tai… Nếu có thể nhìn xuyên vào trong tử cung của bà bầu trong giai đoạn thai kỳ tuần thứ 6, bạn có thể thấy một chiếc đầu quá khổ, với những điểm tối mờ mờ dần hiện lên khi mắt và mũi bé đang bắt đầu hình thành. Tai của bé mới chỉ được đánh dấu bằng hai dấu nhỏ phía hai bên. Cánh tay và chân giống như hai búp lồi lên và chưa thể nhìn thấy rõ. Màng tay và chân xuất hiện dấu hiệu đình hình các ngón tay và ngón chân.
Khi siêu âm ở giai đoạn thai kỳ tuần thứ 6, một số bà mẹ có thể sớm nghe thấy nhịp tim của thai nhi. Ở tuần này, trái tim của bé chỉ nhỏ bằng kích cỡ của 1 hạt vừng nhưng đã bắt đầu những nhịp đập đầu tiên ở trong bào thai. Trái tim có thể đập khoảng từ 100 – 160 lần/ phút, nhanh gần gấp hai lần so với nhịp tim của mẹ và bắt đầu đưa máu đi khắp cơ thể. Bộ não của bé vẫn tiếp tục được hoàn thiện dần dần.
Ruột cũng đang phát triển và ruột thừa đã xác lập được vị trí, các chồi mô hình thành phổi đã xuất hiện. Tuyến yên được hình thành, ngoài ra, các cơ bắp và xương cũng đã được xác lập. Miệng cũng bắt đầu hình thành, các nếp gấp nhỏ ở dưới chính là “khởi thủy” của cổ sau này. Mũi đã rõ rệt và “tiền thân” của võng mạc cũng đang hình thành.

Triệu chứng của mẹ

- Giai đoạn này, người mẹ sẽ cảm thấy bị kiệt sức và mệt mỏi vô cũng do những thay đổi hormone thai kỳ.
- Cảm giác buồn nôn không chỉ sảy ra vào buổi sáng mà có thể diễn ra trong cả ngày, tuy nhiên có một số mẹ may mắn không phải chịu hiện tượng này.
- Với việc chuẩn bị dần cho quá trình tiết sữa nên ngực người mẹ sẽ lớn lên và đau nhức dữ dội.
- Ở thời gian này, tâm trạng của bà bầu khá thất thường do mệt mỏi và những thay đổi trong cơ thể. Vì vậy mẹ bầu cố gắng giữ tâm trạng tốt nhất và nên nhờ vả sự giúp đỡ của những người thân, đồng nghiệp để giảm căng thẳng.

Việc bạn phải làm

- Nếu bạn chưa đi khám bác sĩ, cần sắp xếp một cuộc gặp ngay.
- Tham khảo sách báo để có chế độ ăn uống an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tiếp tục uống vitamin trước sinh nở.
- Loại bỏ những thứ không an toàn trong thai kỳ.

Những điều tốt đẹp nên làm

- Bắt đầu danh sách một câu hỏi để tham khảo bác sĩ trong những lần khám thai.
- Tìm hiểu những công thức, món ăn ngon, bồi bổ cho thai phụ.
- Tìm những phương cách giúp giảm chứng ốm nghén.

No comments:

Post a Comment